Trong các kỹ năng nghe nói đọc viết, thông thường các bạn thường hay bỏ qua kỹ năng đọc. Bạn luôn nghĩ rằng chỉ cần biết từ mới là có thể đọc hiểu? bạn nghĩ rằng kỹ năng đọc không quá khó? Thật ra bạn đã hoàn toàn sai lầm rồi đấy. Nếu bạn học tiếng Anh để đi học, đi làm hay nghiên cứu thì bỏ qua kỹ năng đọc sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đấy? Học kỹ năng reading không hề dễ tẹo nào.
Học kỹ năng reading giúp bạn nâng cao khả năng tiếng Anh, từ vừng, khả năng giao tiếp và nhiều điều khác nữa.
Kỹ năng đọc quan trọng vì nó giúp vốn từ vựng trở nên phong phú và sinh động hơn. Người đọc có thể không cần dùng đến từ điển và đoán nghĩa của từ mới trong ngữ cảnh của toàn bài. Với cách này, bạn sẽ không chỉ học được từ mới mà còn học được cách sử dụng chúng trong những văn cảnh cụ thể.
Ngoài ra, bài đọc là nguồn cung cấp dồi dào tư liệu cho môn viết. Khi đọc một bài viết bằng tiếng Anh, bạn có thể học hỏi những cấu trúc cũng như cách diễn đạt trong bài để dùng trong bài viết của mình.
Bài viết của người bản xứ là cơ hội tuyệt vời để học ngữ pháp. Văn viết có những yêu cầu nghiêm ngặt về độ chính xác của những cấu trúc ngữ pháp. Do đó, khi đọc những bài viết bằng tiếng Anh bạn có thể học ngữ pháp một cách tự nhiên và chuẩn xác.
Bạn có thể làm việc nhanh hay chậm tuỳ ý, 10 trang trong vòng 30 phút hay dành hẳn một tiếng chỉ để đọc một trang. Bạn không thể làm vậy khi nghe hay nói bằng tiếng Anh. Lợi thế lớn nhất của đọc so với các hoạt động khác là bạn hoàn toàn chủ động về mặt thời gian.
Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn thứ mà mình sẽ đọc. Nếu bạn chọn thứ gì đó mà bạn thích để đọc thì việc học kỹ năng này sẽ trở nên thú vị và hữu ích. Ví dụ, nếu bạn thích bóng đá, sao không thử đọc về những bài viết về môn thể thao này bằng tiếng Anh. Bạn sẽ vừa có những thông tin thú vị, cập nhật về môn thể thao yêu thích vừa củng cố kỹ năng đọc bằng tiếng Anh của mình.
Nhưng làm thế nào để tận dụng được những lợi thế này của môn đọc? Những lời khuyên dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời:
1. Cố gắng đọc những bài viết phù hợp với trình độ. Nếu cứ 3 từ bạn lại phải dừng để tra từ mới một lần thì bài đọc đó chẳng còn gì thú vị và bạn sẽ nhanh chóng mất hết hứng thú để tiếp tục.
2. Ghi chú bên cạnh những từ mới. Nếu có khoảng 4 đến 5 từ mới trong một trang, hãy viết chúng vào trong sổ từ. Nhưng bạn không cần phải làm ngay việc này khi đang dọc dở. Thay vì làm vậy, hãy cố gắng đoán nghĩa của chúng khi bạn đọc, đánh dấu và xem lại khi bạn đã đọc xong để tra từ trong từ điển và ghi lại vào vở từ vựng.
3. Cố gắng đọc một cách thường xuyên. Chẳng hạn, bạn có thể đọc một đoạn ngắn mỗi ngày. 15 phút mỗi ngày sẽ hiệu quả hơn là 2 tiếng một ngày chủ nhật. Ví dụ, bạn có thể dành 15 phút trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy hay khi ăn trưa để đọc.
4. Hãy chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho việc đọc như thứ gì đó để đọc, bút nhớ để đánh dấu, từ điển, sổ từ vựng và bút để ghi lại từ mới.
5. Đọc những gì mà bạn yêu thích hay quan tâm. Hãy chọn một cuốn tạp chí hay một quyển sách nói về chủ đề mà bạn cảm thấy hứng thú
Theo Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét