Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Lịch sử phát triển của tiếng Anh (p1) - Bạn hiểu gì về tiếng Anh?

Nếu bạn là một người yêu thích tiếng Anh, bạn học tiếng Anh say mê? thế thì bạn đừng nên bỏ lỡ nguồn gốc phát triển tiếng Anh. qua đó bạn sẽ hiểu được rất nhiều điều thú vị đấy.
Tiếng Anh là hậu thân của một ngôn ngữ chung của các giống người Angle, Saxon và Jute - thường được gọi chung là người Anglo-Saxon. Ba giống dân này thuộc các dân tộc German, từng sống ở vùng nay là Bắc Đức và Hà Lan, nhưng một số được vua Vortigern mời sang Anh vào khoảng giữa thế kỷ thứ V để giúp ông ta trong cuộc chiến chống Người bản xứ Pict (ngày nay không còn nữa). Sau khi chiến thắng, những người này được phép ở lại và đã mở đầu cho một cuộc "xâm chiếm" đảo Anh khi thêm nhiều người Anglo-Saxon di cư sang hòn đảo này. Họ định cư vào vùng đông-nam của đảo, trở thành số đông và làm ngôn ngữ của một giống dân bản xứ khác trên đảo, người Celt, đi đến tình trạng gần như mai một.


Ngôn ngữ của ba giống người Anglo-Saxon này rất giống tiếng Frysk và được dùng tại đảo Anh trong 5 thế kỷ tiếp theo sau đó. Trong thời gian này, tiếng Na Uy cổ đã có một ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tiếng Anh vì có một số người Viking – một giống dân nói tiếng Na Uy cổ và rất nổi tiếng về mạo hiểm và xâm lăng – cũng đến xâm chiếm và định cư tại Anh bắt đầu từ thế kỷ thứ 9. Chiến tranh giữa người Anglo-Saxon và người Viking xảy ra thường xuyên vì sự tranh giành đất đai. Các vua của người Anglo-Saxon thường phải chạy sang xứ Normandie, tại phía bắc của nước Pháp, để tránh chiến tranh. Một vị vua, Aethelred, còn lấy con gái của quận công của Normandy để đổi lấy sự giúp đỡ của ông này. Điểm đáng chú ý thứ nhất là tiếng Na Uy cổ và tiếng của người Anglo-Saxon có cùng gốc German, do đó những người này có thể giao dịch với nhau để tạo ra những ảnh hưởng sâu đậm trong ngôn ngữ. Điểm đáng chú ý thứ hai là tên của tiếng Anh (English), của nước Anh (England) và của nhiều địa danh tại đó có gốc từ tên Angle của người Angle. Tiếng Anh phát triển trong thời gian này, khoảng thế kỷ thứ 6 đến đầu thế kỷ thứ 11, được gọi là tiếng Anh thượng cổ (Old English).


Khi vị vua cuối chết không có con kế tự vào năm 1066, người Anglo-Saxon đề cử một người trong nhóm họ có tên là Harold Godwinson lên làm vua. Tuy nhiên vua Harald II của Na Uy, tuy là người Viking nhưng có liên hệ họ hàng với người Anglo-Saxon chính ở Đức, cũng muốn có thêm ngôi vua xứ Anh. Harald III kéo quân sang chiếm đóng vùng phía bắc của đảo Anh vào giữa năm 1066 nhưng chẳng bao lâu thì bị Harold Godwinson đánh bại tại trận chiến Stamford Bridge. Harald III tử trận và từ đó người Viking bỏ hẳn ý định xâm chiếm đảo Anh. Trong khi đó, về phía nam, quận công William của Normandy  cũng tuyên bố là ngôi vua xứ Anh phải thuộc về ông ta vì ông ta là người cháu của bà vợ của vua Aethelred. Quận công William mang quân sang chiếm vùng phía nam của đảo, đánh bại Harold Godwinson tại trận chiến Hasting và trở thành vua của xứ Anh. Tiếng Anh từ đó chịu thêm ảnh hưởng của tiếng Pháp và tiếng Latinh, dưới các triều đình người Norman đến từ Normandie. Các nhà ngôn ngữ học gọi tiếng Anh phát triển trong ba thế kỷ sau năm 1066 là tiếng Anh trung cổ (Middle English).
Hai quyển sách nổi tiếng được viết bằng tiếng Anh thượng cổ và tiếng Anh trung cổ là Beowulf (sử thi, viết vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 10) và the Canterbury Tales của Geoffey Chaucer. 


Tiếng Anh cận đại (Modern English) được các nhà ngôn ngữ học cho là bắt đầu vào thế kỷ 16 và người có công nhất trong sự tiến triển này là văn hào nổi tiếng của Anh, William Shakespeare. Đây chính là tiếng Anh được dùng phổ thông trên thế giới hiện nay.

Nhiều nhà ngôn ngữ học còn chia tiếng Anh cận đại thành tiền cận đại (Early Modern) và cận cận đại (Late Modern). Tiếng Anh cận cận đại diễn ra vào đầu thế kỷ 19 khi Đế quốc Anh có thuộc địa trên khắp hoàn cầu. Tiếng Anh do đó trải qua thêm một biến đổi khá lớn nữa vì nó không những trở thành một ngôn ngữ quan trọng trên thế giới mà còn thâu nhập rất nhiều ngôn từ của các nền văn hóa khác nhau.
 Theo vi.wikipedia




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét